Bình luận gần đây

CHÀO CÁC BẠN ĐẾN VỚI BLOG GH...CHÚC CÁC BẠN VUI VẺ...!!!

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

NGUYÊN TẮC 90/10


Điều này sẽ làm thay đổi cuộc đời bạn
(hoặc ít nhất, cách thức bạn phản ứng lại với các tình huống)
Nguyên tác: Discover The 90/10 Principle của Stephen Covey
It will change your life (or at least, the way you react to situations)
Chuyển ngữ: Kim Ngân


Nguyên tắc này là gì?
10% cuộc sống được hình thành do điều đang xảy ra cho bạn
90% cuộc sống được quyết định bởi cách thức bạn phản ứng ra sao.

Điều này có ý nghĩa gì ?

Thật ra chúng ta không kiểm soát được quá 10% điều đang xảy đến cho chúng ta. Chúng ta không thể cho dừng chiếc xe đang bị hỏng máy.
Máy bay sẽ đến trễ phá vỡ chương trình của chúng ta.
Một tài xế có thể chạy đâm ngang trước đầu xe chúng ta.

Chúng ta không kiểm soát trên 10% điều này.90% còn lại thì khác hẵn.
Bạn quyết định 90% còn lại đó.

Bằng cách nào !..Bằng phản ứng của bạn, bạn không thể kiểm soát đèn đỏ. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát phản ứng của bạn.

Không nên để người khác đánh lừa bạn.
Bạn có thể kiểm soát cách bạn phản ứng.

Chúng ta hãy lấy một thí dụ…

Bạn đang ăn sáng với gia đình bạn. Con gái bạn đụng vào táchcà phê và làm đổ cà phê trên áo sơ mi đi làm của bạn. Bạn không thể kiểm soát điều mới vừa xảy ra. Chuyện xảy ra tiếp theo sẽ được quyết định bởi cách bạn phản ứng. Bạn chửi rủa, bạn trách mắng con gái bạn một cách thậm tệ do việc nó va vào tách cà phê. Nó òa lên khóc. Sau khi rầy la nó, bạn quay sang vợ bạn và phê bình nàng để tách cà phê quá gần mép bàn. Một trận đấu khẩu ngắn diễn ra sau đó. Bạn vội lao lên lầu để thay áo. Quay xuống tầng trệt, bạn thấy con gái đang bận khóc nên ăn sáng chưa xong. Nó cần chuẩn bị đi đến trường. Nó bỏ lỡ chuyến xe buýt. Vợ bạn phải đến sở làm ngay sau đó. Bạn lao vào xe nhà và chở con gái bạn đến trường.

Vì bạn bị trễ giờ, bạn lái xe chạy 40 miles /một giờ vượt quá tốc độ qui định 30 miles/ một giờ. Sau khi chậm trễ 15 phút và mất toi 60 đô la tiền phạt cho cảnh sát giao thông, bạn lái xe đến trường. Con gái bạn chạy nhanh vào trường không kịp chào tạm biệt bạn. Sau khi đến sở làm trễ mất 20 phút, bạn mới thấy bạn đã bỏ quên chiếc cặp ở nhà.

Ngày làm việc của bạn đã bắt đầu thê thảm,và cứ thế tiếp diễn, nó có vẻ càng lúc càng tồi tệ hơn. Bạn mong cho mau đến nhà. Khi bạn về đến nhà, bạn thấy có sự xa cách nho nhỏ trong mối quan hệ của bạn với vợ và con gái.

Tại sao ?

Vì cách thức bạn phản ứng vào buổi sáng.
Tại sao bạn đã có một ngày tồi tệ như thế?

A. Có phải do cà phê gây nên ?
B. Có phải do con gái bạn gây nên?
C. Có phải do cảnh sát giao thông gây nên?
D. Có phải do bạn gây nên?

Câu trả lời ở đây chính là câu D

Bạn đã không kiểm soát điều gì xảy ra với tách cà phê.
Cách bạn đã phản ứng trong vòng 5 giây là nguyên nhân cho ngày tồi tệ của bạn.

Sau đây là câu chuyện có thể và nên xảy ra. Cà phê đổ trên áo bạn, con gái bạn gần như muốn khóc, bạn nói một cách dịu dàng như sau: “ Không sao đâu con, cưng của ba, lần sau con nên cẩn thận hơn nhé.”
Vừa vồ lấy chiếc khăn lau, bạn đi lên lầu và thay áo sơ mi, bạn cầm lấy chiếc cặp và quay xuống nhà đúng lúc và nhìn qua cửa sổ, bạn thấy con gái bạn đang bước lên xe buýt. Nó quay lại và vẩy tay chào bạn. Bạn đến sở sớm 5 phút và mỉm cười niềm nở với các nhân viên.

Lưu ý sự khác nhau giữa hai kịch bản khác nhau.
Cả hai bắt đầu giống nhau.
Cả hai kết thúc khác nhau.

Tại sao như thế?

Do cách thức bạn phản ứng, bạn thật sự không kiểm soát 10% điều đang xảy ra trong cuộc sống của bạn. Còn 90% kia được quyết định bởi phản ứng của bạn.

Sau đây là một vài cách để áp dụng nguyên tắc 90/10.

Nếu một ai đó nói điều không hay về bạn, đừng biến mình thành miếng bọt biển hút nước.
Hãy để cho cuộc tấn công trôi đi như nước trên tấm kính.
Bạn không nên để cho những lời bình phẩm tiêu cực tác động đến bạn.
Hãy phản ứng một cách thích hợp và điều đó sẽ không làm hỏng ngày làm việc của bạn.
Một phản ứng sai lầm có thể dẫn đến việc làm mất một người bạn, giận dữ hoặc căng thẳng.
Bạn phản ứng thế nào nếu ai đó chạy cắt ngang qua trước xe bạn?
Bạn có mất bình tĩnh không? Hãy đập mạnh vào bánh lái ( một người bạn của tôi đã làm bánh lái bị hỏng như thế)
Bạn có chửi rủa không? Áp huyết của bạn có tăng vùn vụt không?
Ai quan tâm lo lắng nếu bạn đến nơi làm trễ 10 giây? Tại sao để cho xe hơi làm hỏng việc đi xe của bạn?
Hãy nhớ đến nguyên tắc 90/10 và đừng lo lắng về chuyện đó.

Bạn được báo cho biết bạn mất việc, tại sao bạn mất ngủ và tức tối?Điều đó sẽ diễn ra thôi.Hãy dùng năng lượng và thời gian lo lắng để đi tìm một công việc mới hay hơn. Máy bay đến trễ. Nó làm hỏng kế hoạch trong ngày của bạn.Tại sao bạn ném sự thất vọng của bạn lên nhân viên phục vụ chuyến bay?Cô ta đâu kiểm soát được điều gì đang diễn biến.

Hãy dùng thời gian để nghiên cứu, cố gắng làm quen hành khách khác bên cạnh.Tại sao căng thẳng?Điều đó sẽ làm cho tình hình trở nên tồi tệ thêm.

Bây giờ bạn biết nguyên tắc 90/10

Hãy áp dụng nó rồi bạn sẽ kinh ngạc với những kết quả.Bạn sẽ không đánh mất gì nếu bạn thử áp dụng nó.
Nguyên tắc 90/10 thật khó tin.Rất ít người biết và áp dụng nguyên tắc này.Kết quả?
Bạn sẽ thấy điều đó nhờ chính bản thân bạn.

Hàng triệu người đau khổ từ những căng thẳng, thử thách, khó khăn, đau đầu không đáng kể.Tất cả chúng ta phải hiểu và áp dụng nguyên tắc 90/10.Nó sẽ làm thay đổi cuộc đời bạn.

……Hãy đón nhận nó….

Nó chỉ cho phép chúng ta rút kinh nghiệm.Tất cả những gì chúng ta làm, cho, nói hoặc suy nghĩ, điều đó giống như một boomerang. Nó sẽ quay lại chúng ta. Nếu chúng ta muốn nhận, chúng ta cần học cách cho trước đã…Có thể chúng ta sẽ kết thúc với hai bàn tay trắng, nhưng trái tim chúng ta sẽ tràn đầy tình yêu…
Và những ai yêu cuộc sống đều có được cái cảm giác sâu đậm đó trong tâm hồn họ….

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

CUỘC ĐỜI GIỐNG NHƯ 1 CHUYẾN TÀU....

Cuộc đời giống như một chuyến tàu: người này lên tàu người kia xuống ga, có những tai nạn, có những chuyện ngạc nhiên ở những trạm này, rồi chuyện buồn tột bậc ở những trạm khác.


Lúc ta chào đời cũng như khi ta bước lên tàu, ta gặp những người, ta đã tưởng rằng họ sẽ ở lại với ta suốt chuyến đi: đó là cha mẹ ta! Thật không may, sự thật...... lại khác hẳn. Song thân đã xuống một ga nọ, bỏ mặc chúng ta thiếu tình yêu thương và sự trìu mến, thiếu tình âu yếm và sự đồng hành của các đấng sinh thành.


Dù sao, lại có những người khác lên tàu, họ trở nên rất quan trọng đối với chúng ta: Đó là anh chị em ta, các bạn bè và những người tuyệt vời mà ta thương yêu.


Có những người xem cuộc hành trình như một buổi dạo chơi.
Có những người khác lại chỉ thấy buồn rầu trong suốt chuyến đi.
Có những người luôn luôn hiện diện và sẵn sàng giúp đỡ những ai cần.
Có những người, khi xuống tàu, đã để lại một nỗi nhung nhớ triền miên…
Có những người vừa lên đã xuống ngay, chúng ta chỉ vừa kịp thấy họ thôi…


Chúng ta ngỡ ngàng vì một vài hành khách mà chúng ta yêu mến lại ngồi ở một toa khác, bỏ mặc chúng ta trong hành trình đơn độc. Dĩ nhiên, không ai có thể cấm cản chúng ta đi tìm họ khắp nơi trên xe lửa. Đôi khi, thật không may, chúng ta không thể ngồi bên họ bởi vì chỗ đã có người.


Không can chi… hành trình là như thế: đầy thách đố, lắm giấc mơ, nhiều hy vọng… với những lần từ biệt mà không biết bao giờ trở lại.


Hãy cố gắng thực hiện chuyến đi cho tốt đẹp.
Hãy cố gắng hiểu những người ngồi bên mình và tìm ra điều tốt nhất nơi mỗi người.
Hãy nhớ rằng vào mỗi khoảnh khắc của chuyến đi, một người đồng hành nào đó có thể chao đảo và cần được chúng ta thông cảm.


Chúng ta cũng thế, chúng ta có thể chao đảo và sẽ luôn có ai đó có thể hiểu chúng ta.


Mầu nhiệm lớn lao của cuộc hành trình là ta không biết được khi nào ta sẽ xuống tàu mãi mãi. Chúng ta cũng chẳng biết được khi nào các bạn đồng hành chúng ta cũng xuống tàu như vậy. Ngay cả người ngồi ngay bên cạnh chúng ta cũng thế.


Tôi nghĩ là tôi sẽ buồn khi rời con tàu... Chắc chắn như vậy!
Chia tay với tất cả bạn bè đã gặp trên chuyến tàu sẽ đau đớn đấy; để lại những người thân yêu trong cô đơn thì thật là buồn. Nhưng tôi chắc chắn rằng một ngày nào đó tôi sẽ đến ga trung tâm và tôi lại được thấy họ đều đến với một hành trang họ không hề có khi bước lên tàu.


Ngược lại, tôi sẽ sung sướng vì được góp phần làm cho hành trang của họ tăng thêm và phong phú hơn.


Các bạn mến! Tất cả chúng ta, hãy cố gắng thực hiện một cuộc hành trình đẹp và hãy để lại những kỷ niệm đẹp về chúng ta khi chúng ta xuống tàu. (Sưu tầm)

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

NẺO ĐƯỜNG KHÔNG CHỌN



Hai ngã rẽ năm xưa trong rừng úa, 
Tiếc làm sao chẳng chọn được cả hai. 
Kẻ lữ thứ ta tần ngần đứng mãi, 
Mắt vời trông lối khuất bụi cây dài. 


Nẻo mời gọi, thôi đành theo lối cỏ 
Êm như nhung nằm đợi bước chân đi. 
Tuy dấu tích người qua mòn ngã nọ 
Hay đường này nào có khác nhau chi?


Cùng trải mình sáng năm xưa đôi ngã,
Trong lá êm không mang vết xéo dày.
Ta dối hẹn ngày sau thăm lối lạ, 
Đường đưa đường biết trở lại sao đây!

Không ngăn tiếng thở dài ta phải thốt, 
Thời gian qua mà năm ấy cánh rừng, 
Ta đã chọn lối mòn thưa kẻ bước, 
Một đời theo chân rẽ mãi không cùng.

Robert Frost

Bản dịch: The Shadow 

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

GIẢI TRÍ

- CÁCH MẸ NHẬT CHUẨN BỊ ĐI HỌC CHO CON TRONG 4 PHÚT
 - TUỔI TRẺ TÀI CAO

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

SƯU TẦM

Không có bất cứ nguyên tắc nào để đoán biết thực sự tính cách của  con người, dù là 7, 70 hay 700 bước. Nếu thật sự đoán biết con người đơn giản như vậy thì thế giới không còn điều gì thú vị nữa. Nhưng dù sao một số bước căn bản sau đây có thể giúp ích cho bạn:
Bước 1: Chăm chú lắng nghe
Hãy lắng nghe cả điều người ta nói lẫn cách họ nói. Mọi người thường có xu hướng nói nhiều hơn họ muốn. Bạn hãy tạm ngừng nói – một khoảng yên lặng sẽ khiến mọi người nói nhiều hơn sau đó.
Bước 2: Quan sát tích cực
Bạn đã bao giờ xem một chương trình đối thoại hay phỏng vấn trên truyền hình và thốt lên: “Ồ, người này đang lo lắng quá!” hoặc “À ha, câu hỏi đó khiến anh ta lúng túng!”?
Rõ ràng, bạn không cần phải đọc sách về ngôn ngữ cơ thể để có thể hiểu những cử chỉ hay động tác nhất định. Cách ăn mặc cũng phản ánh nhiều nét tính cách của một con người.
Bước 3: Nói ít hơn
Làm như vậy, tự nhiên bạn sẽ biết nhiều hơn, nghe nhiều hơn, thấy nhiều hơn và ít mắc sai lầm hơn. Nếu bạn muốn nói thì thay vì phát biểu gì đó, hãy đặt câu hỏi!
Bước 4: Xem xét lại ấn tượng ban đầu
Tôi thường tin vào ấn tượng ban đầu, song với điều kiện là đã xem xét cẩn thận. Phải có một quá trình suy ngẫm hoặc xem xét từ khi ấn tượng ban đầu xuất hiện cho đến lúc bạn chấp nhận nó như một nguyên tắc của mối quan hệ.
Bước 5: Dành thời gian tận dụng những điều bạn đã biết
Nếu bạn chuẩn bị gặp hoặc gọi điện cho một người nào đó, hãy dành vài phút suy ngẫm về những gì bạn biết và những phản ứng mà bạn muốn có ở họ. Dựa trên những điều đã biết về người đó, bạn sẽ lựa chọn được cách nói hoặc cách hành động để có được phản ứng như mong muốn?
Bước 6: Suy xét khôn ngoan
Để đoán biết con người tốt hơn, bạn cần phải suy xét khôn ngoan. Bạn không nên nói cho họ biết bạn nghĩ rằng họ thật dễ đánh bại, hoặc chỉ ra những điều bạn cảm thấy họ sẽ làm sai. Nếu để họ nắm được những gì bạn biết, bạn sẽ đánh mất cơ hội tận dụng hiệu quả những hiểu biết của mình. Bạn không cần đổi đánh giá của bạn về một người nào đó để có được nhận xét tốt của họ về mình. Hãy nhớ, trong trường hợp này, thông tin chỉ có giá trị nếu ai đó biết về bạn ít hơn những điều bạn biết về họ.
Kể cho người khác nghe mọi điều bạn biết khiến họ có cơ hội xâm phạm đến sự an toàn của chính bạn. Hãy để họ tự tìm hiểu về tính cách và thành tích của bạn từ người khác.
Bước 7: Khách quan
Trong bất kỳ tình huống kinh doanh nào, nếu bạn có thể giữ thái độ khách quan, nhất là khi sự việc đang trở nên gay gắt, căng thẳng thì tự nhiên khả năng quan sát của bạn sẽ tăng lên.
Khi một người bắt đầu nổi nóng, đó là lúc anh ta sơ hở nhất. Nếu bạn cũng đáp trả bằng một câu nóng nảy không kém, thì không những bạn giảm khả năng quan sát, mà còn khiến mình bị sơ hở nữa.
Tôi luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của tính chủ động hơn là sự phản ứng bột phát trong các tình huống kinh doanh. Thay vì phản ứng, chủ động sẽ giúp bạn sử dụng đúng đắn những gì mình biết, biến những nhận thức thành quyền điều khiển. Nếu tiếp tục để bản thân lâm vào thế bị động, bạn đã đánh mất lợi thế này của mình.

Nếu không phản ứng thì bạn sẽ không bao giờ phản ứng thái quá và thay vì bị điều khiển, bạn sẽ là người điều khiển. (sưu tầm)

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

TẠP BÚT

Màn đêm mênh mông…lắng nghe từng tiếng trở mình của đất…của gió…của vạn vật xung quanh….và của tiếng lòng …bao năm  ngủ yên với một lựa chọn kiên định…một chí hướng…một niềm tin….giờ thu về kết quả có ý nghĩa quá lớn lao…đó là một bài học lớn….ta cười vì mừng hay khóc vì đau…ngày cả cười hay khóc mà cũng trỡ nên khó khăn như thế sao…đắng chát…một mớ bòng bông như vây kín….ngỗn ngang những nỗi niềm…

Thời gian bao lâu để tiếp tục được một hướng đi mới…một cách nghĩ mới... một lựa chọn mới….hiện tại hãy chấp nhận...ngượng dậy và bước tiếp…


Qua đêm nay, trời sẽ sáng trong…như một sự vận động tự nhiên của trời đất…luôn xoay vòng những mảng sáng tối…ngày mai nắng sẽ lên…

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

LÃI

Quán rất nghèo, lèo tèo dăm ba chai nước. Hiếm hoi mới có vài người khách.

Con trai càu nhàu:

Chín mười năm rồi, chẳng thấy lời lãi gì cả, chỉ tổ nhọc thân. Đã bảo U dẹp quách đi cho rồi. Rõ khổ.

Bà mất vì lao phổi. Con trai dỡ quán bỏ, thấy một cuộn giấy cất kỹ trên hốc kèo. Mở ra, một dòng chữ nghuệch ngoạc: "Lãi của quán, dành cho con". Gần ba triệu. Trời không mưa mà tờ giấy bỗng dưng nhòe đi vì ướt... (Sưu tầm)                                        
                                                                                                                       

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

PHƯƠNG MỸ CHI MỘT TÀI NĂNG ÂM NHẠC

Tình cờ chuyển kênh TV tôi bắt gặp vòng thi giấu mặt của chương trình thi giọng hát việt nhí, tôi bất ngờ với một giọng hát quá ngọt ngào, đầy cảm xúc về dòng nhạc dân ca, cô bé chỉ mới 10 tuổi mà tiếng hát lại đi vào lòng người một cách đầy tình cảm da diết, từ đó tôi bắt đầu theo dõi suốt chương trình cuộc thi, và cũng từ đó, hầu như tôi luôn cập nhật những thông tin về bé, bé là một tài năng thật sự, bé là thần tượng nhí của tôi.

MC Trấn Thành : "Kiếm đâu ra một đứa bé 10 tuổi mà giọng hát chín mùi như vậy? Kiếm đâu ra một đứa bé 10 tuổi mà hát hầu như là không phô một bài thi nào (nếu không muốn nói là chuẩn từng nốt) từ đầu chương trình đến giờ? Kiếm đâu ra một đứa bé 10 tuổi mà tiếng hát đủ tình cảm để đi vào lòng người như vậy bằng một loại âm nhạc không hầm hố, không chiêu trò, không khoe khoang giọng hát? Chỉ có ở Phương Mỹ Chi!"

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

CUỘC SỐNG QUANH TA

Tôi bước vào quán ăn sáng khá sớm. Trong quán không có nhiều người. Đối diện chỗ tôi ngồi là một cặp vợ chồng và đứa con gái nhỏ. Điều khiến tôi chú ý đến người vợ, là dù khuôn mặt trang điểm kỹ càng quần áo xinh xắn thì mái tóc lại được buộc túm rối bù tạm bợ ra đằng sau bằng một cái cặp nho nhỏ trăng trắng. Cô vừa ăn bữa sáng của mình, vừa cho con ăn, thi thoảng ngẩng vội lên trả lời những câu nói có vẻ bâng quơ của chồng, rồi lại cúi xuống đứa con gái nhỏ, dịu dàng.

Anh chồng đủng đỉnh ăn, tay phải cầm đũa, tay trái cầm điện thoại, chăm chú. Đôi lúc, trong vài giây, anh ta lại ngẩng lên khỏi điện thoại, liếc nhìn mấy người đàn bà ăn mặc thời thượng, có vẻ còn son rỗi trong quán.

Tôi thấy thoáng cau mày của người vợ.
Tôi thấy những đầu móng tay đã bắt đầu tróc sơn của cô.
Tôi thấy có đôi khi, anh chồng liếc nhìn những đầu ngón tay tróc sơn của vợ, nhưng chỉ đôi khi, hoặc có thể ánh mắt của anh ta chỉ tiện đường lia qua đôi bàn tay ấy khi đang trên đường ngó nghiêng sang những bàn tay khác.
Tôi thấy những sợi tóc rối loà xoà được vén vội ra sau tai ngại ngần.
Tôi thấy xót xa!

Đa số đàn ông Việt coi cái việc chăm con, cho con ăn, cho con ngủ và ti tỉ thứ khác dính dáng đến con mặc nhiên là việc của vợ. Đàn bà cũng gần như đa số coi đấy là việc của mình, thậm chí đôi lúc còn tự dằn vặt bản thân nếu không thể làm vừa đi làm, vừa lo việc nhà, vừa chăm con cho thật tốt. Bởi, xã hội thì tung hô phụ nữ đảm đang, đàn ông mặc nhiên có quyền ngồi ăn, ngồi nhìn, ngồi liếc những người chẳng phải vợ con mình.
Trong vài lần liếc ấy, có bao nhiêu lần anh ta tự so sánh vợ mình với những người đàn bà khác? Trong vài lần liếc ấy, có lần nào anh ta ngán ngẩm vì mái tóc rối hay những đầu ngón tay đã tróc sơn của vợ?

Tôi không rõ, cũng không dám khẳng định, chỉ thấy suốt gần nửa tiếng, anh ta nói với vợ được vài ba câu, không đút cho con gái ăn lấy một thìa dù bản thân ăn đã xong từ lâu và đĩa bánh cuốn của vợ đã nguội ngắt. Anh ta có vẻ không mấy vui vì phải đợi chờ con ăn, vì vợ đầu bù tóc rối. Vợ anh ta có vẻ không vui, có thể chỉ vì suy nghĩ mình làm vẫn chưa tốt nhiệm vụ cao cả của người vợ. Tóc mình vẫn rối, móng tay vẫn chưa được sơn. Đứa con có vẻ không vui vì không được bố chú ý tới, nó quay sang mè nheo mẹ thật lực. Tất cả họ đều không vui !

Khi đứa con ăn gần hết, người vợ quay lại với đĩa bánh cuốn nguội ngắt của mình, anh chồng vội đứng dậy, ra ngoài trả tiền, mặc sẵn áo mưa rồi ngồi đợi.

Chị vợ ăn vội vài miếng, dắt đứa con gái nhỏ đi theo ra ngoài sau hai phút.

Ngoài trời đang mưa.
Giá mà anh chồng đút cho con vài miếng. Có thể anh ta chẳng nề hà gì. Chỉ là anh ta không nghĩ mình cần làm thế. 
Giá mà anh chồng ngồi đợi vợ thêm vài phút.
Giá mà sáng nay trước khi ra khỏi nhà, anh chồng mặc quần áo cho con, hay lấy áo mưa cho đứa trẻ, chắc mái tóc vợ anh không rối bù tạm bợ, và ắt hẳn anh chẳng phải liếc nhìn mấy người đàn bà khác, chẳng phải ngán ngẩm. Khéo chính anh ta sẽ vui vẻ hơn rất nhiều.

Tôi tự hỏi đến bao giờ cái ngán ngẩm dài ngày của anh chồng biến thành nỗi chán vợ? Đến bao giờ người vợ cho phép mình được bắt đầu mệt mỏi?

Đôi khi, hạnh phúc gia đình tiêu tan chỉ bởi những lặt vặt như thế!

                                                                                                                                    Sưu tầm

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

CHÊNH VÊNH

Trong ba mươi phút gã nói là gã dành cho tôi, thực ra tôi chỉ được mười lăm phút, còn mười lăm phút còn lại gã túi bụi với điện thoại, với những công việc dài như dải mây trời của gã. 


Tôi nhẫn nại chờ đợi, dù đó không phải là đức tính bẩm sinh của tôi mà là tôi học được nhờ cái nghề bạc bẽo của mình. Bạn bè thường nói nghề báo là một nghề mà từ hồi còn ngồi trên ghế nhà trường đứa nào cũng một lần từng nghĩ đến, cái nghề chỉ đứng sau giấc mơ làm ngôi sao điện ảnh và ca sĩ một bậc. Tôi cũng từng vật vã vì ước mơ phù phiếm này.


"Chú sếp" của tôi nói với tôi là nhà báo nữ có lợi thế hơn nhà báo nam. Có lẽ mọi vấn đề chú nói đều đúng trừ cái này, nói chính xác hơn là trong vế này chú thiếu một từ, "nhà báo nữ xinh..." có lợi thế hơn. Ôi trời! Cái này thì có lẽ tôi đành ngậm ngùi vì "nhan sắc" báo động của mình, nên tôi vẫn ngồi đây và vẫn nhìn gã nghe hết cú điện thoại này đến cú điện thoại khác, mỗi lần chuông reo gã lại nhìn tôi như hối lỗi "thông cảm cho anh nhé". 
Tôi cũng nhìn gã như thông cảm lắm lắm "anh cứ nghe đi, không sao". Tôi nói xong từ "không sao" mà cổ họng nghẹn đắng lại. Hôm nay là ngày 8 tháng 3, ngày mà cả nửa thế giới (trừ tôi) sẽ được sếp báo từ hôm mồng 7 rằng: "Ngày mai các em nhân viên nữ sẽ làm gì tùy thích, chọn nhà hàng nào tùy thích và tùy thích yêu cầu quà cáp!". Thế là từ tối hôm đó các nàng sẽ nằm mơ mộng và nghĩ ngợi, nghĩ làm sao để xinh hơn, mai mình đi ăn nhà hàng nào đây, đi hát ở đâu đây và kiếm cái tủ nào để đựng được hết quà... Chao ôi là dự định.


Còn tôi vẫn ngồi đây, vẫn nhìn gã nói chuyện điện thoại với đối tác, miệng cười cười mà mắt không dấu được vẻ mong như nghe ai đó nói một câu "thương em quá" sẽ vỡ òa nước là nước... Nhưng không ai, kể cả gã hỏi tôi câu đó, nên tôi vẫn ngồi bặm môi lại, cắn chặt môi lại để nuốt một cái gì đó nặng lắm vào trong sâu thẳm lòng mình. Đó là cái cách tôi chống chọi với những tổn thương, đó là cái cách tôi muốn chứng tỏ rằng tôi mạnh mẽ lắm. Có gì đâu, có gì ghê gớm đâu khi một người phụ nữ trong ngày của mình đi mấy nghìn cây số để lấy một mớ thông tin khô khốc. Có gì đâu khi màn đêm buông xuống lại nằm một mình nơi quê hương mà không phải nhà mình, khách sạn bóng loáng thế cơ mà, máy lạnh và mùi chăn thơm tho đến choáng váng thế cơ mà. Có gì đâu khi ngày hôm nay mẹ gọi điện thoại bảo "luôn tiện về quê ghé về thắp cho ba nén hương..." mà công việc vẫn chưa xong, vẫn cười cười nói với mẹ rằng con làm nốt ngày mai con về... Tắt điện thoại rồi mà vẫn nghe tiếng thở dài não nề của mẹ, vẫn nghe tiếng mẹ nói với chị gái rằng: "Mẹ biết nó sẽ nói thế mà, con bé này mạnh mẽ lắm".


Ừ nhỉ! Mình mạnh mẽ lắm, mạnh mẽ lắm nên mới ngồi đây với khuôn mặt thản nhiên đến kỳ lạ để chờ gã còn bao nhiêu cú điện thoại nữa. "Anh mời em đi ăn nhé, để chuộc cái lỗi này"; "Không! Em bận lắm, anh cho em thông tin và một ít tài liệu về em viết cho số tới"; "Công ty anh thua lỗ, có gì đâu mà em viết, khi nào vào trong đó anh dẫn em đi thăm nơi anh em công nhân làm việc, có nhiều cái để viết lắm". Gã nói nhẹ tênh như thế, nhẹ tênh như cái cách gã nói với nhân viên của gã rằng: "Em ơi! Anh bận quá chưa đến cơ quan ký văn bản được".
Tôi lấy hết "kỹ nghệ" của mình ra để thuyết phục rằng tôi sẽ viết nhẹ nhàng, sẽ chẳng đụng chạm đến ai cả và viết không phải tâng bốc công ty hay gã, mà bằng cách nào đó tôi sẽ cho giới xây dựng biết về công ty nhiều hơn (một cách thuận lợi). Gã vẫn không chịu, gã nói công ty đang trong thời kỳ khủng hoảng về mọi mặt, gã không muốn xuất hiện trên báo làm trò cười cho những người trong nghề. Vì cái nghề xây dựng này ai cũng biết nhau, biết rõ nhau từng đường đi nước bước, từng giai đoạn hưng thịnh nên không cần thiết phải lên báo. Gã hỏi nếu tôi muốn gã cho một cái quảng cáo vài chục triệu đồng cho hoàn thành nhiệm vụ. Tôi khựng lại nhìn gã và gã hình như cũng khựng lại khi nhìn ánh mắt của tôi. Gã hơi ngượng ngùng, một sự ngượng của một người có lòng tự trọng! 


Tôi nói tôi chỉ viết bài, đó là công việc của tôi, nếu xin quảng cáo tôi đã không đến công ty gã, không về tận quê hương mình để chỉ xin một cái quảng cáo. Gã định xin lỗi tôi nhưng tôi đã nói không sao đâu, em hiểu tâm lý anh mà... Đúng là "không sao đâu", không sao đâu mà tôi lại không thể cất được thêm lời nào nữa! Tôi chào gã để ra về, muốn nói một lời cảm ơn mà không thể bật ra, cổ họng cứ nghẹn cứng lại. Gã gọi tôi lại trước khi cánh cửa kịp đóng "anh muốn có số điện thoại của em", tôi cũng định hỏi: "Để làm gì?" bởi tôi thừa hiểu những kẻ như gã sẽ chỉ hỏi thế và vứt vào đâu đó trong hàng mớ ngăn ký ức không đáng nhớ của mình. Nhưng tôi vẫn đọc cho gã. Và tôi đi như một sự trốn chạy.


Cái thành phố nhỏ như lòng bàn tay này không ồn ào náo nhiệt như cái thành phố mà tôi làm việc. Tôi đứng trên cầu nơi nhìn về phía bên kia là nhà mẹ, chắc giờ này mẹ cũng ngủ rồi và cũng có lẽ mẹ đang chờ mong một cú điện thoại của tôi hỏi xem mẹ ngủ chưa? Và mẹ sẽ hỏi công việc của tôi thế nào rồi. Nhưng tôi không gọi. Tôi không muốn nghe tiếng thở dài và không muốn cảm nhận một khoảng lặng giữa những câu hỏi cũ rích. 
Cái thành phố bé nhỏ này không đủ để tôi trải những nỗi buồn vô tận, nhưng lại quá bao la với những nỗi cô đơn không thể gọi thành tên. Nguyện nhắn tin hỏi bao giờ thì về lại thành phố? Tôi không trả lời ngày về mà hỏi Nguyện có biết bao giờ thì tôi sẽ khóc được? Nguyện lặng đi một lúc. Có lẽ Nguyện đang muốn hỏi xem tôi có ổn không hoặc bảo gào thét lên một lúc đi, nhưng Nguyện đã không hỏi thế, bởi Nguyện nghĩ rằng tôi mạnh mẽ lắm để không làm thế!


Dòng nước đen ngòm hình như rất lặng lẽ, năm nay trời cũng đắng đót đến nỗi không đổ một hạt mưa nào. Tiếng chuông điện thoại bất ngờ reo, ai gọi giờ này, tôi để im vài giây để tự đánh đố mình đoán xem trong hàng triệu người tồn tại trên thế giới này ai là kẻ sẽ gọi cho tôi giờ này? Cái giờ mà đáng lẽ ra họ đã chìm vào giấc ngủ, mẹ sẽ không gọi giờ này vì mẹ không bao giờ phá giấc ngủ của tôi, Nguyện lại càng không bởi Nguyện chỉ thích trò nhắn tin... Một số máy lạ hoắc lạ huơ, định không bắt nhưng phản xạ tự nhiện tôi bấm nút nghe, một giọng nói trầm nhẹ: "Em không ngủ được đúng không?". Tôi im lặng.


Không phải không muốn trả lời mà đang hỏi sao gã lại biết, sao gã biết đêm nay tôi sẽ không ngủ? "Anh thấy em có vẻ bất ổn". Có lẽ tôi đã vỡ òa trong một câu như thế, cái sự bất ổn kìm nén như một hồ nước đầy bị ngăn lại, gồng mình lên chịu đựng và chỉ cần một cái cây nhỏ khều trúng nguồn là sẽ vỡ òa ngay. Tôi và gã cầm điện thoại mà không nói thêm bất cứ câu gì. Tôi đang lắng nghe một cái gì đó trong âm vọng xa xôi, trong sự đồng cảm đến lạ kỳ? Nguyện đã ở bên tôi mười năm, đã mang hình bóng tôi suốt cả cuộc đời mình cũng chưa bao giờ cảm nhận được sự bất ổn trong tôi, chưa bao giờ biết tôi chênh vênh trong cuộc đời này. Thế mà chỉ một lần gặp, chỉ một lần chưa đủ để ghi nhớ nét mặt nhau, gã đã nhận ra tôi bất ổn. Tôi nghe tiếng hơi thở gã dồn dập trong điện thoại, tôi nói tôi buồn ngủ rồi, hẹn gã khi nào sẽ viết về công nhân của gã trên công trường. Gã nói: "Em khóc đi"...


Tôi cười, gã là một kẻ ngốc, một kẻ ngốc mới nghĩ rằng tôi sẽ khóc. Có lẽ gã đã nghĩ gã nhìn được bản năng yếu đuối trong sâu thẳm mà tôi cố chôn vùi, có lẽ gã nghĩ tôi cần một bờ vai nào đó... Có lẽ gã đang cười cợt tôi vì sao lại không thể có ai đó để khóc, để tựa vào bờ vai để lòng nhẹ bẫng đi... Tôi không muốn nói với người đàn ông của mình rằng em mệt mỏi lắm, em thấy cần được chở che và nương tựa. Tôi không bao giờ làm thế, tôi không muốn mình phải phụ thuộc vào ai đó để buồn vui , tôi sẽ tự giải quyết mọi thứ của mình, kể cả xúc cảm yêu thương.


Và khi không làm sao để thoát ra được nỗi đau, tôi sẽ cắn môi lại, cắn đến tươm tướp máu ra, và thế sẽ nhẹ nhõm hơn... Với tôi, nỗi đau không thể vơi đi bằng con đường của nước mắt mà sẽ ra bằng đường máu.
Tôi cũng quên gã ngay khi về bên mẹ. Chỉ một ngày để quên một người thấu hiểu mình cũng là hơi tàn nhẫn! Nhưng cuộc sống dạy cho tôi cách tàn nhẫn, mà gã cũng có lẽ không còn nhớ gì đến một người đàn bà bất ổn đâu? Trong cuộc đời với bản chất nhạy cảm như gã, người đàn bà nào chả bất ổn và cũng có thế bằng cái giọng trầm đấy gã đã cho bao nhiêu người đàn bà bất ổn những niềm vui mong manh và phút giây chực vỡ òa.
"Bao giờ tụi con cưới?", tôi ừ ừ à à cho qua chuyện, mẹ vẫn bài ca cũ rích rằng tôi muốn tìm ai hơn Nguyện, muốn tìm ai hiểu tôi hơn Nguyện? Thế nào là hiểu nhau hả mẹ? Mẹ nói hiểu nhau là biết nhau muốn đi đâu, làm gì, biết nhau thích ăn món gì? Ra thế! Hiểu nhau là thế. Mẹ với ba cũng chỉ thế để sống cả trọn một đời. Tôi đã đòi hỏi quá cao sao? Tôi đã muốn người đàn ông đi bên mình suốt một cuộc đời phải nhìn thấy sự bất ổn trong sâu thẳm tâm hồn tôi và cả sự chênh vênh não nề.


Công việc lại cuốn tôi đi, bao gã đàn ông mà tôi gặp đều cười cười nói nói với tôi và trong những cuộc phỏng vấn họ tuyệt nhiên không nghe bất cứ cuộc điện thoại nào, họ chăm chú nghe tôi hỏi, chăm chú trả lời một cách rành mạch, không lẫn lộn. Báo chí và kinh doanh tưởng như không dính líu gì tới nhau, nhưng nó là một sự cộng hưởng và có tác động mạnh mẽ. Và những người đàn ông thành đạt biết lợi thế đó. Họ tiếp tôi, trân trọng tôi như một đối tác mang lợi đến cho họ và tôi cũng coi họ là đối tác để tôi hoàn thành công việc, thế thôi. 
Nhưng họ cứ nhìn tôi chăm chú, nghe tôi chăm chú và khi tôi ra về họ hớn hở xin số điện thoại, hớn hở mời tôi tiệc tùng và sau đó họ gọi điện thoại: Em ơi! Em à? Báo đã ra chưa cho anh vài chục số anh tặng đồng nghiệp bạn bè. Anh sẽ gửi tiền mua báo qua tài khoản em... Nhưng chưa ai hỏi tôi một câu: "Em có vẻ bất ổn". Không bất cứ gã đàn ông nào nhìn ra sự bất ổn trong con người tôi, trừ gã. Cái nghịch lý ấy nó làm tôi tổn thương hơn nghìn vạn lần được nhớ nhung yêu thương.


Và bất chợt, một ngày Sài Gòn nóng như đổ lửa, gã đỗ xe trước cửa cơ quan tôi. Gã nói một câu mà tôi nghe như âm vọng tha thiết gọi từ nơi nào đó sâu thẳm: "Cho anh một giờ được không?". Tôi đứng lặng, sao không là cả cuộc đời mà chỉ là một giờ? Sao gã không nắm tay tôi thật chặt và đưa đi đâu đó thật xa hết cuộc đời này? Có vẻ gã không đọc được điều đó, gã kéo tuột tay tôi đi trong sự ngỡ ngàng của gió, trong sự chờ đợi từ kiếp trước của tôi...


Thế nào là hiểu hết nhau? Tôi hỏi Nguyện câu đó khi Nguyện đeo chiếc nhẫn vào ngón tay áp út của tôi. Nguyện không trả lời, tôi biết Nguyện trong một sự mơ hồ nào đó, biết rằng một ngày tôi sẽ ra đi, một ngày nào đó bờ vai của Nguyện sẽ không chở che hết nổi chênh vênh trong tâm hồn tôi, dù đôi khi anh cũng tự dối lòng mình rằng với cái nhẫn ở ngón tay áp út đấy biết chăng sẽ trói được tôi. Có những điều quá mong manh trong cuộc đời, trong đó có cả niềm tin, niềm tin mong manh vào tình yêu tôi dành cho anh. Không như cách của Nguyện, gã không hỏi tôi có yêu gã không? Không hỏi tôi có cần nhìn vào mắt gã để tìm một sự bình yên trong mớ bòng bong tâm hồn xáo trộn của tôi. Gã ghì lấy tôi như thể rồi tôi sẽ rời xa gã, sẽ rời xa như cách tôi rời xa Nguyện, nhưng tôi cũng cảm nhận được rằng gã sẽ không giữ được tôi, không níu giữ được trái tim tôi không phải vì gã không đủ sức níu giữ, mà vì gã đang có một tâm hồn chênh vênh nữa đã không thể rời xa gã.
Tôi căm thù sự muộn màng, sự muộn màng trong cuộc sống có thể làm chúng ta mất đi nhiều thứ, có thể không quan trọng, nhưng sự muộn màng của một tình yêu đã làm mất cả một cuộc đời. Có quá lên không? Có là quá không khi tôi nghĩ thế? Những ngày đầu yêu Nguyện tôi chưa từng có cảm giác này, hay Nguyện đến với tôi tròn trịa quá, bao bọc quá... nên tôi không cảm nhận hết sự chông chênh? Không cảm nhận hết những nuối tiếc và xót xa?


Gã vẫn thường gặp tôi nếu gã có thể, nhưng vẫn có hàng nghìn cú điện thoại chen ngang, mặc kệ, tôi biết gã có nghe ai nói đi nữa thì trái tim gã vẫn dành cho tôi, ánh mắt gã vẫn hướng về tôi và gã vẫn vỗ về nỗi chông chênh không thể lấp đầy.


Một ngày không dài cũng không ngắn, một ngày tôi xếp mọi thứ vào va li và cầm quyết định chuyển công tác ở một miền xa tít mù khơi: "Con làm thế thật à? Con mạnh mẽ đến vô tâm" mẹ xát một câu vào lòng tôi như thế.
Tôi bay ra chỉ để nhìn gã qua cửa kính, gã vẫn triền miên với những cú điện thoại, dằn lòng để không lao vào, cắn chặt môi và thấy máu tươm tướp, không cảm giác đau đớn. Đó là cách duy nhất tôi làm nhẹ nỗi chênh vênh trong trái tim mình...


Nguồn: Ngoisao.net

Điều ước

Giờ ra chơi, tôi và lũ bạn tán gẫu với nhau xem nếu có một điều ước thì sẽ ước gì. Nhỏ Giang ước thi đậu vào năm tới. Nhỏ Lan ước mẹ nó mau hết bệnh. Trân lớp trưởng tham lam hơn, nói bô bô trước lớp:

 - Tớ ước tớ sẽ có thêm một triệu điều ước nữa. Cả lũ bật cười, chê nhỏ Trân có mơ ước cũ rích. Cái kiểu ước một ra mười chẳng có gì mới lạ cả. Nhóm bạn quay sang hỏi tôi, tôi tỉnh queo:

 - Tớ sẽ ước được trở về quá khứ, lúc đó tớ có thể tránh không phạm lỗi lầm nữa. Tôi vừa dứt lời, bọn bạn đã vỗ tay bôm bốp. Mặc cho chuông vào lớp reo vang, nhỏ Trân cứ luôn miệng khen:

 - Hay! Hay! Tớ tuyên bố điều ước của cậu hay nhất. Đêm trăng sáng, tôi ngồi bên cạnh ông nội ngắm trăng. Nhớ lại những điều ước mấy ngày trước, tôi hỏi ông:

 - Ông ơi, nếu như ông có một điều ước, ông sẽ ước gì ạ? Ông nhìn tôi, mỉm cười:

 - Thế cháu sẽ ước gì nào? Không chần chừ, tôi kể cho ông chuyện về những điều ước của nhóm bạn. Nghe xong, ông chậm rãi nói:

 - Nếu có một điều ước, ông sẽ ước mọi người trên thế gian này đều có một điều ước như ông.
Nhưng theo ông trong thực tế, điều ước hay nhất là điều ước mà ta có thể thực hiện được, cháu ạ. (sưu tầm)

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

LẦM LỠ !

     Buổi sáng như thường lệ, tôi lướt qua các trang báo, bất chợt nhìn ra tựa đề " Kết thúc bi thương của vũ nữ Sài Gòn bị tạt axít", khi xem qua thì mới biết đó là vũ nữ Cẩm Nhung, mà lúc còn nhỏ tôi có lờ mờ nghe qua, đến nay khi bà qua đời, thì vụ án chấn động Sài Gòn trước năm 1975 được báo chí thông tin lại, qua đó tôi mới biết rõ hơn về cuộc đời hồng nhan bạc phận của bà, cái giá phải trả cho sai lầm tuổi trẻ của bà là cả một quãng đời lang bạt với sự khốn khổ đến tận cùng của số phận...thật xót xa...

    Đời sống xa hoa của bà gắn với ánh đèn màu và những vũ điệu quay cuồng làm bao nhiêu gã đàn ông say mê, nhanh chóng lụi tàn bởi một trận đánh ghen bằng axít đầu tiên tại sài gòn lúc bấy giờ, đó là năm 1963 khi bà mới 23 tuổi…sau hậu quá đó, bà bị mù lòa, khuôn mặt hoàn toàn bị biến dạng…vì quá đau buồn trước tại họa của con gái, mẹ bà cũng lâm bệnh và mất đi vào cuối năm 1964, chỉ còn duy nhất bà vú Sọ trung thành, sau đó cũng bệnh rồi ra đi mãi mãi…còn lại một mình bà...không nơi nương tựa, không một người thân…không tài sản…bà phải lê la khắp nơi để xin ăn, người ta chỉ nhận biết bà qua tấm hình xinh đẹp của bà treo trước ngực…gần 50 năm, bà sống mà như chết, thật quá thê lương cho một kiếp người…

     Cuối đời, bà mất tại Hà Tiên thuộc tỉnh Rạch Giá, bà ra đi trong cô đơn, lạnh lẽo...Thật ngậm ngùi cho số kiếp của bà...cầu cho linh hồn bà được yên nghĩ...

       
Phận đời của bà được trích lượt như sau:

       " Cẩm Nhung người gốc Hà Nội, có một khuôn mặt cực đẹp và làn da trắng hồng của con gái xứ Bắc, cùng thân hình quyến rũ và đôi chân điệu nghệ nhất trong các vũ điệu cuồng say tại vũ trường Kim Sơn.

        Vào Sài Gòn được ít năm, khi cuộc sống vừa ổn định, cha của Cẩm Nhung đã qua đời vì bệnh, gia đình chỉ còn lại ba người phụ nữ: mẹ cô, bà vú Sọ và cô. Không có điều kiện đi học tiếp, Cẩm Nhung xin vào làm tiếp viên trong một nhà hàng. Từ một cô tiếp viên chuyên bưng bê món ăn, cô đã lân la làm quen với những bản nhạc, những điệu nhảy trong quán bar của nhà hàng. Để rồi khi chưa tới 19 tuổi, cô đã trở thành gái nhảy chuyên nghiệp trên đất Sài Gòn.

        Năm 23 tuổi dù đã từng trải trong tình trường nhưng không hiểu sao lại bị tay trung tá “Thức công binh” (biệt danh của trung tá Trần Ngọc Thức)  lớn hơn cả chục tuổi “hớp hồn” ngay những lần gặp đầu tiên. Có lẽ là vì sự già dặn, từng trải, phong lưu và cách tiêu tiền như nước của gã, mà cũng có thể vì cái lon trung tá thời ấy rất oai, cả Sài Gòn chỉ đếm được trên đầu ngón tay, mà cô vũ nữ sành điệu đã nhanh chóng sà vào vòng tay bao bọc của ông ta, dù cô thừa biết rằng ông ta đang có vợ.

       Cẩm Nhung chấp nhận làm vợ bé – điều không có gì là ghê gớm trong xã hội Sài Gòn thời đó. Cô không thể ngờ bà “Năm Ra-đô”(vợ Thức Công binh) đã vạch kế hoạch tỉ mỉ tiêu diệt tình địch. Hai tên giang hồ có cỡ được bà “Năm Ra-đô” thuê với giá 2 lượng vàng để làm cái việc hủy diệt nhan sắc của cô vũ nữ. Bà “Năm Ra-đô” tin tưởng, khi Cẩm Nhung không còn nhan sắc, cô sẽ không thể quyến rũ chồng bà và “Thức công binh” sẽ trở về với vợ con.

       Ngày 18 tháng 7 năm 1963, đồng loạt các tờ báo, tạp chí ở Sài Gòn đăng tin, giật tít rất giật gân về việc “nữ hoàng vũ trường” – vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt axít, phá hủy toàn bộ gương mặt xinh đẹp. Các tờ báo đều có chung nhận xét, đây là vụ đánh ghen bằng axít lần đầu tiên xảy ra trong giới thượng lưu Sài Gòn và trở thành tâm điểm quan tâm của mọi giới.

       Người mẹ khốn khổ của Cẩm Nhung vì buồn phiền mà sinh bệnh, rồi qua đời cuối năm 1964, chỉ hơn một năm sau ngày đứa con gái bất hạnh của bà bị nạn. Sau đó người thân cuối cùng của bà là bà vú Sọ trung thành cũng đổ bệnh nặng qua đời. Còn lại một mình trên đời, không nơi nương tựa, không người thân, không nhà cửa, không tài sản, cô vũ nữ lừng danh một thời chỉ còn con đường đi ăn xin. Trên ngực bà đeo hình của bà chụp với người tình là trung ta Thức công binh.

       Theo báo chí Sài Gòn, sau đó, vợ chồng “Thức công binh” đã chia tay nhau mà nguyên nhân chính là vụ tạt axít của người vợ. Về sau, không ai còn biết “Thức công binh” ra sao, còn bà “Năm Ra-đô” thì gửi thân nơi cửa Phật, có lẽ bà muốn nhờ cửa Phật từ bi gột rửa tội lỗi khủng khiếp mà bà đã gây ra.

     Những năm tháng Cẩm Nhung lang thang trên khắp nẻo Sài Gòn sau khi bị nạn, cũng là lúc trên sân khấu ca nhạc của Sài Gòn thịnh hành bài hát “Tình kỹ nữ” của hai tác giả Nhật Ngân – Duy Trung. Không biết các tác giả viết bài hát này để tặng cho ai khác hay vì xót thương số phận của Cẩm Nhung mà lời bài hát như nói về cuộc đời của cô vữ nữ bất hạnh này. Người ta kể rằng, mỗi khi đang đi ăn xin trên đường, tình cờ nghe bài hát “Tình kỹ nữ” vang lên, Cẩm Nhung luôn ôm mặt khóc, đứng tựa vào đâu đó thật lâu rồi mới dò gậy đi ăn xin tiếp.

     Một ngày đầu năm 2013, tại một xóm trọ nghèo ở thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), nơi những người ăn xin, bán vé số, bốc vác tứ xứ đến thuê ở trọ, có một đám ma nghèo. Một bà lão bán vé số đã qua đời vì già yếu, bệnh tật. Không một người thân, bà lão được những người đồng cảnh ngộ lo cho một quan tài loại rẻ tiền, rồi đưa ra nghĩa địa...Bà lão đó chính là vũ nữ Cẩm Nhung"
   
Lời bài hát thay cho lời kết......

Ta tiếc cho em trong cuộc đời làm người...

Ta xót xa thay em là một cánh hoa rơi...

Loài người vô tình giẫm nát thân em...

Loài người vô tình giày xéo lên em...

Loài người vô tình giết chết đời em...

Ta tiếc cho em... Ta tiếc cho em....


    

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

TÌNH BA !


Ba à ! trong gia đình, với ba, cách thể hiện tình cảm đôi khi có sự nghiêm khắc, nhất là là khi con đi sai đường, ba luôn lắng nghe và thấu hiểu những suy nghĩ trong con, ba luôn dõi theo con và là nơi con ngã đầu vào khi con vấp ngã...nếu không có ba răn dạy thì không biết những năm tháng tuổi thơ ham chơi bồng bột con sẽ như thế nào...tình yêu của ba dành cho con mãi mãi là một tài sản quý giá, con mang theo trong suốt cuộc đời mình...nơi suối vàng con nguyện cầu cho ba mãi mãi bình an và thanh thản...con mãi yêu ba...!!!

Ở Việt Nam, ngày lễ của ba mới được du nhập vào những năm gần đây. Ngày của ba cũng sắp đến. GH xin chúc tất cả những người ba luôn vui khoẻ, hạnh phúc, và dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy luôn hướng về những đứa con của mình, vì chúng rất cần bàn tay nâng đỡ. Xin chúc những người con luôn là niềm tự hào của ba mình, sẽ là những công dân hữu dụng, hiếu thảo !



Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

CÒN HOÀI MỘT DẤU HỎI


Tuổi thơ con có một thời hạnh phúc
Gọi “Mẹ ơi!” khi đói khát lạnh lùng
Lòng vui lên thấy Mẹ cười trước mặt
Được vỗ về, được âu yếm yêu thương

Nhà mình nghèo Mẹ sợ thân con lạnh
Nên thức hoài canh giấc ngủ thâu đêm
Con trở giấc, Mẹ vội vàng lính quýnh
Ấp ủ con mặc gió bấc ngoài hiên

Lớn lên rồi lại rời xa tay Mẹ
Mẹ vẫn cười nghiêng theo bóng đời con
Khi vấp ngã, gọi “Mẹ ơi!”, rất khẽ!
Đỡ con lên Mẹ hỏi “Có đau không”?

Từ ngàn xưa nước mắt luôn rơi xuống
Hạt mưa sa đâu chảy ngược lên nguồn
Trên đường đời Mẹ bao lần vấp ngã
Có bao giờ con hỏi “Mẹ đau không”?

 Thơ Trần Kiêu Bạc

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

BUỒN !

Đã bao giờ bạn đứng trước sự lựa chọn thật khó khăn chưa ???
Đã bao giờ bạn đứng nhìn những yêu thương đang dần dần tuột khỏi tay bạn mà không biết là nên nắm giữ lại hay im lặng tiễn đưa trong nỗi buồn ???

Có lẻ không ai khác mà chính người trong cuộc sẽ là người quyết định cho sự lựa chọn cho chính mình thôi các bạn à.....!!!

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

NÀNG !


Kết thúc buổi trò chuyện là câu chúc nhau ngủ ngon, không biết nàng đã ngủ chưa mà sao đêm nay hắn cứ trằn trọc thế, trời dần khuya, không gian cũng từ từ im ắng, tiếng náo nhiệt của những phương tiện cũng thưa dần, hắn lại miên man về cuộc sống, về những gì mà hắn đã gặp phải và hắn nghĩ về nàng.

Hắn và nàng biết nhau cũng thật tình cờ cũng như bao người bạn khác, nhưng hắn bị thu hút bởi sự thông minh và sâu sắc của nàng, và nàng quý hắn ở sự tế nhị và trung thực. Giữa họ có sự thỏa thuận và luôn tôn trọng hoàn cảnh của nhau.

Từ trước tới nay, ít có ai mà nói về  khuyết điểm của hắn đâu, riêng chỉ có nàng, ngoài những cái ưu điểm là những  khuyết điểm cố hữu trong con người của hắn mà nàng đã nhìn thấy, tâm lý chung thì khi nghe ai nhận xét về  khuyết điểm của mình thì không thích lắm, lúc đó hắn chỉ nghe mà không ý kiến gì. Rồi hắn hiểu rằng, nàng muốn tốt cho hắn hơn mà thôi nên thật lòng chia sẽ và góp ý, chính vì vậy mà hắn biết lắng nghe và suy nghĩ để không phụ lòng nàng.

Rồi  từ ngày hắn chuyển sang môi trường mới, tính chất phức tạp hơn, đa dạng hơn, hắn gặp ngay chướng ngại mà nguyên nhân là từ khuyết điểm của hắn mà nàng đã nhắc nhở từ trước, cái mà trước đây hắn cảm thấy không hài lòng lắm khi nghe nó, hắn tự nghĩ, giá như…mà có gì lạ đâu chứ,  vốn dĩ hắn là người không thích lý thuyết suông, và càng không tin vào cái gì chưa được kiểm chứng.

Cái duyên của nàng là sự tin ý, sự tế nhị trong lời nói, sự chừng mực và thấu hiểu người đối diện. Nói thế là không phải không có xung đột, có những lần suýt mất nhau, có khi là sự hiểu lầm, nhưng cái gốc là họ biết nghĩ  cho tương lai của nhau và khi nàng nói lời chia tay, hắn đã chấp nhận và tôn trọng mà không một lời trách móc, và hắn dự định trở về cuộc sống thật và tạm biệt nơi này, nhưng khi tưởng chừng không còn gặp lại, hắn và nàng lại thấu hiểu nỗi buồn khi xa vắng là thế nào, để rồi họ không làm được điều đó mà lại gắn bó nhau hơn. Một sự gắn bó, gần gũi trong sáng và chứa chan tình cảm chân thành.

Dòng suy nghĩ miên man của hắn đã bước sang ngày mới tự lúc nào, hắn là thế, cứ hay nghĩ về nàng, chính vì điều đó mà nàng lo lắng cho sự xáo trộn cuộc sống của hắn. Và nàng cũng có hay gì hơn hắn đâu chứ, nàng cũng từng thao thức và cảm nhận về hắn cơ mà, hắn và nàng luôn biết nghĩ cho nhau, tạo cho nhau niềm tin, niềm vui trong cuộc sống này.
Hắn và nàng tuy xa thì cũng rất xa nhưng gần thì lại rất gần, một sự gần gủi rất lạ, mà chỉ có nàng với hắn mới thấu hiểu mà thôi.

                                                                                                                                                                                                                                       Sưu tầm

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

QUÊ HƯƠNG & TUỔI THƠ !



Nó ngồi đây nơi ghế đá trước sân nhà, nhìn đàn chim bay qua vội tìm về tổ ấm khi giọt nắng cuối cùng sắp tắt, một luồng gió mát thổi qua làm những chiếc lá úa vàng rơi rụng, nhìn dòng người cũng hối hả ngược xuôi, mỗi người mỗi việc nhưng ai cũng cố gắng hoàn tất công việc trong ngày để về với mái ấm gia đình...đứa con xa nhà từ khi mới lớn cũng đang nhớ về cuội nguồn, quê hương nơi nuôi dưỡng cả một quãng đời tuổi thơ thật ngọt ngào của nó, tuy gia đình ba má nó ngày đó còn nhiều khó khăn nhưng tràn đầy yêu thương.

Mái lá ngày xưa nơi nó được sống bên ba má, anh chị em, với biết bao kỷ niệm, tình yêu thương dành cho nhau đã thấm vào dòng máu của mỗi thành viên trong gia đình, dòng sông dẫn vào nhà  vẫn chảy hiền hòa, chở bao tình yêu thương như dòng sữa mẹ nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng hồn nhiên của nó, mỗi lần về quê, chiều chiều khi nước lớn, nó đứng nhìn những đám lục bình, những cây bần trỗ đầy hoa tím mà nhớ lắm ngày xưa, cũng con sông này, nó và anh nó, em nó và bạn nó tha hồ bơi lội, lặn hụp, rượt đuổi nhau thỏa thích làm náo động cả một khúc sông. Môn mà không thể thiếu của nó là đá bóng, nó thích lắm, chỗ nào rộng có thể đá được là đá ngay, có khi bị trật chân, nghỉ cả tháng trời nhưng hết rồi lại đá tiếp.

Nhớ mùi rơm rạ vì nó đã từng bắt dế, thả diều trên cách đồng sau mùa gặt còn trơ gốc, mỗi khi nghe tiếng gáy, nó phải tìm cho được chỗ phát ra tiếng kêu để bắt cho được đem về nhà đá chơi với bạn, bắt được dế lửa, dế mun nó cười khoái chí. Vào mùa thả diều nó cũng chơi thỏa thích, những cánh diều no gió tung bay, mang theo nhiều ước mơ của nó. Nhớ cái sân thật rộng trước nhà, nơi mà lũ về ngập lênh láng nước, ba má nó lo lắng vì sợ thất mùa, vậy mà nó có biết gì đâu, vẫn lội nước, đá nước tung tóe rồi cười thật tươi, tuổi thơ của nó như một trang giấy trắng chẳng vướng chút bụi trần. Nhớ những đêm rằm, trăng tròn chiếu sáng khắp sân nhà, những ánh đèn đom đóm từ cây bần già dưới mép sông cứ chớp tắt như lay động trong mắt nó, không gian yên tĩnh vốn có của một vùng quê thật êm đềm như con người hiền hòa chơn chất nơi đây, tất cả sống mãi trong trí nhớ của nó.

Nhớ cây cầu khỉ lắc lẽo trước nhà, nơi đã bắt đôi bờ để nó hằng ngày cắp sách đến trường, nơi nó ngồi vắt vẻo chờ đón má đi chợ về, thoáng nhìn dáng má từ xa là nó vụt chạy thật nhanh để đeo tay má, lúc nhỏ nó ít khi xa má lắm, má đi đâu là nó nhớ lắm và chiều nay nó nhớ má thật nhiều, nguồn suối yêu thương của má đã dành cho nó cả một đời đã in sâu vào lòng nó, má đã theo ông theo bà  nhưng với nó má vẫn còn sống mãi !!!
Quê hương ơi! hôm nay cảnh vật đã thay đổi, ánh đèn dầu được thay bằng ánh đèn điện sáng choang, cây cầu khỉ được thay bằng cây cầu xi-măng rộng lớn, mái lá ngày xưa được thay bằng ngôi nhà tường 3 gian mái ngói đỏ tươi, phương tiện chủ yếu của ngày đó là ghe xuồng giờ được thay bằng xe máy, đồng ruộng bao la được thay bằng khu vườn cây ăn trái, cái sân đất trước nhà bây giờ có vài gốc nhãn thật to, lá cây che mát cả vùng sân rộng lớn...bao thăng trầm của cuộc sống mà nó phải đối mặt cũng làm cái tính tinh nghịch hiếu động ngày xưa của nó trở nên trầm lặng, kín đáo, nội tâm...dù nhiều thứ đã được thay mới nhưng kí ức về tuổi thơ, tất cả vẫn còn vẹn nguyên trong lòng nó, nhớ lắm quê hương !
                                                                                                             GH


                                                                                                                                                                                                                                                                 
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang